Đầu tháng 3 vừa qua, gần 15 triệu cổ phiếu (CP) của Công ty cổ phần bao bì nhựa Tân Tiến chính thức được giao dịch trở lại trên sàn UPCoM sau khi đã hủy niêm yết tự nguyện trên sàn chứng khoán TP.HCM vào tháng 10.2015. Điều đáng nói là sự trở lại này đã xuất hiện tên cổ đông lớn Dongwon Systems Corporations đến từ Hàn Quốc sở hữu hơn 93% lượng CP tại Tân Tiến.
Ở thời điểm trước khi bị thâu tóm hoàn toàn, ông Lê Minh Cường – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty sở hữu hơn 23% vốn đã huy động toàn bộ nguồn tài chính mua CP nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu khi biết có đối tác ngoại “nhăm nhe” nhưng mọi việc đã muộn màng. Với mức giá CP thời điểm giữa năm 2015 khoảng 57.000 đồng/CP, tập đoàn Hàn Quốc đã chi ra tối thiểu gần 800 tỉ đồng để nuốt trọn công ty này.
Đây là một thương vụ âm thầm thâu tóm trên sàn chứng khoán khiến ngành nhựa VN rúng động. Bởi nhựa Tân Tiến là thương hiệu ra đời từ năm 1966, dẫn đầu trong số những công ty nhựa sản xuất bao bì, sọt nhựa, màng ghép phức hợp lớn nhất của VN. Sau khi đổi chủ, năm vừa qua, nhựa Tân Tiến đạt doanh thu 1.405 tỉ đồng, xấp xỉ bằng năm 2015 nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng vọt với hơn 105,5 tỉ đồng, tăng trưởng 74% so với cùng kỳ. Năm 2017, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.771 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 164 tỉ đồng, tăng 55% so với lợi nhuận đạt được năm 2016.
Sau Tân Tiến, Dongwon Systems cũng đã mua lại Công ty bao bì nhựa Minh Việt; Tập đoàn Siam Cement Group (SCG, Thái Lan) đã hoàn tất việc mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỉ baht (khoảng 44,4 triệu USD, tương ứng khoảng 932 tỉ đồng vào thời điểm diễn ra thương vụ vào giữa năm 2015). Tín Thành cũng là một trong 5 doanh nghiệp (DN) lớn nhất ngành bao bì nhựa của VN. Không chỉ thâu tóm Tín Thành, SCG còn thâm nhập sâu vào ngành nhựa xây dựng VN khi mua trên 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và gần 25% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Ðây là 2 DN nhựa đang chiếm khoảng 50% thị phần ngành nhựa xây dựng trong nước…
Comments